Dịch virus Ebola (EVD) hay sốt xuất huyết Ebola (EHF) là tên gọi của một loại bệnh trên người. Virus được đặt theo con sông Ebola ở Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi dịch bệnh bùng phát lần đầu vào năm 1976. Đây là một trong những chủng vi rút nguy hiểm nhất thế giới, tổ chức Y tế thế giới cảnh báo tỉ lệ tử vong do Ebola có thể lên đến 90%. Tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp bệnh do virus Ebola song nguy cơ xâm nhập dịch, bệnh là hoàn toàn có thể.
- Virus Ebola lây truyền từ động vật sang người khi tiếp xúc gần với máu, chất tiết của động vật bị nhiễm bệnh.
- Virus Ebola lây truyền từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với máu, các chất tiết của cơ thể người mắc bệnh như phân, nước tiểu, nước bọt,… hoặc các vết xước trên da hay niêm mạc của người lành tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm với các chất tiết của người nhiễm virus Ebola (quần áo, ga trải giường nhiễm bẩn hay kim tiêm đã qua sử dụng).
- Dịch Ebola còn có thể lan rộng từ quốc gia này sang quốc gia khác thông qua con đường du lịch. Người bệnh nhiễm virus Ebola có thể mang mầm bệnh khi di chuyển tới quốc gia khác.
* Dấu hiệu nhận biết và triệu chứng bệnh do virus Ebola
- Người mắc bệnh do virus Ebola thường xuất hiện triệu chứng như sốt đột ngột, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu, đau họng.
- Tiếp theo là các triệu chứng buồn nôn/nôn, tiêu chảy, đau bụng, viêm kết mạc, phát ban, suy thận, suy gan.
- Các triệu chứng xuất huyết: đi ngoài phân đen, chảy máu nơi tiêm truyền, ho máu, chảy máu chân răng, đi tiểu ra máu, chảy máu âm đạo.
- Thời gian ủ bệnh là từ 2 đến 21 ngày. Bệnh nhân dễ lây truyền bệnh ngay khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng.
* Phòng nhiễm virus Ebola
-Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh do virus Ebola. Mỗi người cần nâng cao nhận thức về các yếu tố nguy cơ của bệnh và các biện pháp phòng tránh nạn dịch nguy hiểm này. Các biện pháp sau đây có thể được thực hiện để phòng chống lây nhiễm và hạn chế, cắt đường lây truyền bệnh:
- Hiểu rõ đặc điểm của bệnh, đường lây truyền, biện pháp phòng chống dịch bệnh.
- Thực hiện vệ sinh cá nhân (rửa tay bằng xà phòng, chất sát khuẩn…).
- Cần tránh tiếp xúc với các động vật có nguy cơ cao nhiễm virus Ebola như dơi ăn quả, khỉ, hay vượn...
- Không giết mổ động vật nghi ngờ bị nhiễm bệnh.
- Thịt và tiết của động vật nên được nấu chín kỹ trước khi ăn.
- Nếu phải tiếp xúc với người bệnh thì cần thực hiện nghiêm ngặt: mặc áo choàng, đeo khẩu trang, đội mũ, đi găng vô khuẩn.
- Khi xuất hiện các triệu chứng: sốt, đau đầu, đau họng, tiêu chảy, nôn, đau bụng, phát ban, đỏ mắt, các bạn học sinh cần báo ngay cho ông bà, cha mẹ, thầy cô hoặc người thân đưa đến cơ sở y tế để được tư vấn, theo dõi bệnh và có biện pháp xử trí kịp thời.
- Trên đây là một số dấu hiệu nhận biết triệu chứng bệnh, đường lây truyền và các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Các bậc phụ huynh và các em cần tìm hiểu thêm để biết cách phòng chống dịch bệnh cho bản thân mình và gia đình./.