Xây dựng văn hóa giao thông: hãy bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất
Theo các nhà nghiên cứu, trong ý nghĩa chung nhất, văn hóa giao thông cần được coi là một tập hợp những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra theo lý tưởng chân – thiện – mỹ trên lĩnh vực giao thông.
Nói đến văn hóa giao thông là nói đến cái phải, cái đẹp, cái thiện của con người trong quá trình xây dựng, khai thác các công trình giao thông, sản xuất và sử dụng phương tiện giao thông, trong xây dựng và thực thi pháp luật về giao thông và các hoạt động trong tham gia giao thông. Văn hóa giao thông vừa là động lực vừa là mục tiêu tạo nên một hệ thống giao thông hiện đại, văn minh, hiệu quả, một môi trường giao thông an toàn, nhân ái, thân thiện.
Văn hóa giao thông bao gồm cả hai mặt văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Văn hóa vật chất bao gồm kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông và hệ thống trang thiết bị điều hành giao thông. Văn hóa tinh thần bao gồm hệ thống pháp luật về giao thông, cách thức thực thi pháp luật về giao thông, hành vi ứng xử của người thực thi công vụ, hành vi ứng xử và trách nhiệm của người tham gia giao thông và các vấn đề liên quan khác đến văn hóa giao thông.
Như vậy, trong khái niệm văn hóa giao thông, văn hóa của người tham gia giao thông, việc chấp hành pháp luật về giao thông tuy là nội dung rất quan trọng, chính yếu nhưng không thể coi là nội dung duy nhất và bao trùm như quan niệm phổ biến hiện nay.
Dừng xe trước vạch dừng khi chờ đèn đỏ (nguồn: internet)
Trên thực tế hiện nay, ở nước ta, tình trạng rối loạn, ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, tai nạn giao thông gia tăng gây thiệt hại lớn cho xã hội, làm ảnh hưởng nặng nề tới sự nghiệp đổi mới, phát triển và giao lưu hội nhập của đất nước.
Việc xây dựng văn hóa giao thông trước mắt sẽ có tác dụng góp phần hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông trong điều kiện hạ tầng giao thông của đất nước, nhất là ở các đô thị lớn và các tuyến quốc lộ chưa theo kịp sự phát triển kinh tế xã hội. Về lâu dài, việc xây dựng văn hóa giao thông sẽ tạo nên cơ sở vững chắc cho một nền giao thông hiện đại, văn minh, một môi trường giao thông an toàn, nhân ái, thân thiện, cho con người, vì con người.
Để xây dựng văn hóa giao thông, ngoài trách nhiệm của các cơ quan quản lý, trách nhiệm của người thực thi công vụ về giao thông thì việc chấp hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và hành vi ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông là một trong các nội dung quan trọng nhất, có tính quyết định trong việc giảm thiểu ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông.
Do vậy, ngay từ hôm nay, khi bước chân ra khỏi nhà bạn hãy bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất như: đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; đi đúng phần đường, làn đường quy định; không đi xe trên vỉa hè; chấp hành nghiêm hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; ứng xử có văn hóa khi xảy ra va chạm giao thông,… Qua đó cùng chung tay xây dựng văn hóa giao thông.