* Ý nghĩa, lịch sử ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4
Mùa xuân năm 1975, toàn dân và quân ta đã có thành quả vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh đã giành thắng lợi hoàn toàn, kết thúc 30 năm chiến đấu của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Với tinh thần đoàn kết của quân và dân ta, cùng với ý chí chiến đấu mãnh liệt đã bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thoát khỏi ách thống trị, hoàn toàn tự do để xây dựng đất nước.
Sau chiến thắng vang dội của quân đội ta ở Tây Nguyên và Huế - Đà Nẵng, bộ Chính trị Trung ương Đảng đã nhận định năm 1975 chính là thời cơ tốt để giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Để thành công, quân dân ta phải thật tập trung binh khí, lực lượng và phải giải phóng miền Nam trước mùa mưa và cuộc giải phóng được đặt tên "chiến dịch Hồ Chí Minh".
Vào hồi 17 giờ ngày 26/4. quân ta đã nổ súng mở đầu chiến dịch, năm cánh quân của ta đã vượt qua tuyến phòng thủ của địch để tiến vào trung tâm Sài Gòn và đánh chiếm các cơ quan đầu não.
10 giờ 45 phút ngày 30/4, xe tăng và bộ binh của ta tiến vào, húc tung cánh cửa chính của Dinh Độc Lập, bắt sống toàn bộ nội các Sài Gòn. Dương Văn Minh - tổng thống bấy giờ đã phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam tung bay, báo hiệu sự toàn thắng
Lịch sử ngày 30 tháng 4 năm 1975 có ý nghĩa rất quan trọng với người Việt Nam, mốc thời gian chói lọi đi vào lịch sử hào hùng hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Chúng ta có cuộc sống hòa bình như hiện tại phải đổi bằng sự hy sinh của rất nhiều anh hùng, chiến sỹ. Ngày mà chứng minh cho toàn thế giới sức mạnh đoàn kết của nhân dân, dù không có trang thiết bị tối tân, chúng ta vẫn chiến thắng kẻ thù mạnh nhất thế giới, phá tan ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân. Ý nghĩa ngày 30/4 rất quan trọng, không những giúp đất nước có được sự tự do còn tạo động lực, cổ vũ những dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc.
* Ý nghĩa ngày 1/5 - Quốc tế Lao động
Vào ngày 1/5 hay ngày Quốc tế Lao động, toàn thể cán bộ, công nhân viên sẽ được nghỉ làm, đằng sau nó là sự đấu tranh quyết liệt của giai cấp vô sản, người lao động nhằm đòi lại quyền lợi cho mình.
- Năm 1866, vấn đề đấu tranh cho làm việc 8 giờ một ngày được coi là nhiệm vụ quan trọng tại nước Anh, nơi có nền công nghiệp sớm phát triển. Sau khi giới công nhân viên chức Anh di cư sang Mỹ, phong trào đòi quyền lợi về giờ làm việc nổ ra liên tục.
- Từ năm 1868, giới cầm quyền Mỹ bắt buộc phải thông qua đạo luật ấn định làm 8 giờ một ngày trong các cơ quan, xí nghiệp thuộc Chính phủ. Tuy nhiên các xí nghiệp tư nhân vẫn không thay đổi giờ làm, giữ nguyên từ 11 đến 12 giờ như cũ.
- Năm 1884, Đại hội Liên đoàn Lao động Mỹ thông qua nghị quyết giờ làm việc chính thức của công nhân là 8 giờ và chọn ngày 1/5 là ngày bắt đầu
- Năm 1886, do yêu cầu của công nhân không được đáp ứng đầy đủ, các cuộc biểu tình, bãi công diễn ra ngày càng nhiều. Đầu tiên tại Chicago, khoảng 40.000 người không đến nhà máy, cùng ngày tại các trung tâm công nghiệp khác đã có hơn 5.000 cuộc bãi công với hơn 340.000 người tham gia và còn rất nhiều người ở thành phố khác. Cuộc biểu tình gây ra không ít tổn thương về người và của, hàng trăm công nhân chết và bị thương.
- Ngày 20/6/1889, tại Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế Cộng sản II đã quyết định lấy ngày 1/5 hàng năm làm ngày biểu dương lực lượng và đấu tranh của người lao động. Từ đó ngày 1/5 trở thành ngày Quốc tế Lao động, ngày nghỉ ngơi, ngày hội của công nhân dân trên toàn thế giới, trong đó có cả Việt Nam.
Trong thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám, việc kỷ niệm ngày 1/5 chỉ có thể tổ chức bí mật. Năm 1938, một cuộc biểu tình lớn gồm hàng chục ngàn người đã có mặt tại Nhà đấu xảo cũ, nay là Quảng trường 1 - 5 ở gần ga Hà Nội. Đây là cuộc mít tinh lớn, đánh dấu bước trưởng thành của Đảng và nhà nước ta. Ý nghĩa ngày 1/5 vô cùng quan trọng với người dân trên toàn thế giới cũng như toàn thể người lao động Việt Nam. Ngày biểu dương tinh thần đoàn kết, nâng cao phong trào chống đế quốc thực dân, cùng đấu tranh đòi lại quyền lợi của người lao động, sự tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Trong công cuộc đổi mới của đất nước, chúng ta mãi tự hào và biết ơn sự hy sinh to lớn của các anh hùng, các thế hệ cha ông ta đã chiến đấu anh dũng vì độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc. Chúng ta càng tự hào, tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt tài tình của Đảng cộng sản Việt Nam, vào tinh thần quật cường bất khuất và trí thông minh, sáng tạo của dân tộc ta, của quân đội ta. Mỗi người dân Việt Nam nguyện tiếp tục phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần tự lực, tự cường, tinh thần đại đoàn kết toàn dân, quyết tâm vươn lên hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh theo chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra.