TÁI CHẾ VỎ SỮA HỌC ĐƯỜNG
Mỗi năm Việt Nam có khoảng 15 tỉ vỏ hộp sữa giấy đã qua sử dụng (tương đương 150.000 tấn) được thải bỏ, trong khi 100% vỏ hộp sữa giấy có thể tái chế thành nguồn nguyên liệu và các sản phẩm có ích.
Có nhiều lý do mà chúng không được thu gom, phân loại, đó là quá cồng kềnh, quá hôi, quá dơ, khó thu gom, không có đơn vị thu mua hoặc ít đơn vị có công nghệ để tái chế và quan trọng nhất là giá của vỏ hộp sữa giấy quá rẻ, không đủ bù cho chi phí thu gom và vận chuyển…
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, đến nay trên địa bàn đã có khoảng hơn 90% học sinh các trường mầm non, tiểu học công lập tham gia chương trình Sữa học đường. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, một lượng lớn vỏ hộp sữa được thải ra môi trường. Nếu lượng vỏ hộp sữa giấy này được thu gom, tái chế, không những giảm được lượng rác thải mà còn tạo ra nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường như bàn ghế, tấm lợp sinh thái…Chương trình sẽ giúp các em học sinh hình thành một thói quen mới, không vứt vỏ hộp giấy sau khi uống xong mà tự giác xử lý và để đúng nơi quy định để đem đi tái chế.
Chương trình phân loại, thu gom và tái chế vỏ hộp giấy tại Hà Nội do Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài Nguyên và Môi Trường TP Hà Nội cùng các đối tác triển khai đã được mở rộng quy mô lên gấp đôi với 1.600 trường tiểu học, mầm non tham gia trong năm học 2020 - 2021.
Chương trình tái chế học đường sẽ hướng dẫn các em học sinh cách xử lý vỏ hộp sữa sau khi uống như cho ống hút vào trong hộp, làm dẹp, dán kín miệng hộp và bỏ vào đúng nơi quy định.
Theo các chuyên gia, mặc dù hộp giấy đựng đồ uống có tính bền vững cao hơn các loại bao bì khác nhờ có cấu tạo 75% từ nguyên liệu giấy có thể tái tạo và có chứng nhận FSC, nhưng các đơn vị liên quan của Chương trình phân loại, thu gom và tái chế vỏ hộp giấy quyết tâm giảm hơn nữa các tác động tới môi trường của hộp giấy thông qua việc mở rộng những chương trình thu gom và tái chế như thế này.Vỏ hộp giấy sau đó được thu gom định kỳ hai tuần một lần và chuyển về nhà máy để tái chế thành các sản phẩm hữu ích như giấy công nghiệp, tấm lợp và tấm phẳng sinh thái…
Để góp phần giảm thiểu lượng rác thải do vỏ hộp sữa để bảo vệ môi trường, hôm nay ngày 07/12/2021 đồng chí Vũ Thị Kiều Anh- Phó hiệu trưởng nhà trường và đồng chí Lê Thị Huệ- Thủ kho đã tham gia tập huấn hướng dẫn, triển khai chương trình thu gom, phân loại và tái chế vỏ hộp sữa qua zoom do UBND Quận Long Biên tổ chức.