BÀI TUYÊN TRUYỀN CÁCH PHÒNG CHỐNG MỘT SỐ BỆNH
Hiện nay, đang là thời điểm giao mùa xuân – hè, nên nhiệt độ trong ngày thay đổi liên tục, là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây bệnh phát triển, trong đó có các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa như:Tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi, tiêu chảy....
I. Bệnh tay - chân - miệng:
1. Bệnh tay – chân – miệng là gì?
- Tay – chân - miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở trẻ em. Bệnh lây theo đường tiêu hoá và dễ phát triển thành dịch.
- Bệnh do vi rút gây ra, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
2. Ai có thể mắc bệnh tay – chân - miệng: Bệnh tay – chân - miệng thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 3 tuổi.
3. Những biểu hiện chính của bệnh tay - chân - miệng:
- Bệnh biểu hiện ban đầu bằng sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi, đau họng, nổi mụn nước.
- Mụn nước trong miệng thường thấy ở lợi, lưỡi và mặt trong của má. Ban đầu là những chấm đỏ xuất hiện 1 – 2 ngày sau khi sốt, tiến triển thành mụn nước vỡ ra thành vết loét.
- Mụn nước cũng xuất hiện ở da, thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân….
4. Bệnh tay - chân - miệng lây truyền như thế nào?
- Bệnh lây trực tiếp từ người sang người:
- Qua trực tiếp với phân, dịch tiết mũi họng, mụn nước bị vỡ.
- Qua tiếp xúc giữa trẻ em với nhau hoặc tiếp suc với đồ chơi, bàn ghế, sàn nhà... bị nhiễm vi rút.
- Qua đường tiêu hóa do ăn uống phải thực phẩm chứa vi rút.
5. Cách phòng bệnh:
- Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh các bạn cần thực hiện tốt các biện pháp sau
- Rửa tay nhiều lần trong ngày bằng xà phòng và nước sạch nhất là trước khi ăn và sau khi vệ sinh.
- Ăn chín uống chín, dùng riêng thìa, bát.
- Thu gom, xử lý phân và chất thải đúng nơi quy định.
- Không được chọc vỡ các mụn nước, bọng nước trên da.
- Sau khi tiếp xúc với người bệnh, cần rửa tay kỹ với xà phòng
6. Nên làm gì khi bị mắc bệnh:
- Khi các bạn thấy sốt và xuất hiện nốt phỏng ở bàn tay, bàn chân hoặc niêm mạc miệng, cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị.
- Khi bị bệnh phải nghỉ học, hạn chế tiếp súc với người khác
- Không làm vỡ các nốt phỏng để tránh nhiễm trùng và lây lan bệnh.
- Hạn chế vận động, tăng cường dinh dưỡng, ăn thức ăn lỏng mềm.
II. Bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD):
1/Nguyên nhân gây bệnh SXHD:
- Bệnh SXHD là bệnh nhiễm trùng cấp do siêu vi Dengue gây ra, lây qua đường trung gian do muỗi vằn truyền bệnh (muỗi vằn có tên khoa học là Ades aegypty), muỗi vằn thường đậu ở các chỗ mát và tối trong nhà như: các hóc kẹt trong nhà, sàn giường, vách có treo quần áo,…
- Bệnh thường xảy ra vào đầu mùa mưa, cao điểm vào khoảng tháng 6 đến tháng 10 âm lịch và giảm dần vào cuối năm. Bệnh sốt xuất huyết có thể gặp ở tất cả lứa tuổi.
- Đặc điểm của muỗi truyền bệnh SXH như sau: muỗi màu đen, chân và thân có những đốm trắng, thường được gọi là muỗi vằn và thường đốt vào ban ngày mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối.
2/ Triệu chứng:
- Sốt cao đột ngột, liên tục kéo dài từ 2 đến 7 ngày.
- Xuất huyết dưới dạng chấm màu đỏ rải rác trên da
- Mệt mỏi, đau cơ, nhức khớp, chán ăn, đau bụng, chảy máu cam
- Hạ huyết áp, chân tay lạnh
3/ Cách phòng bệnh:
Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu để phòng bệnh. Cách phòng bệnh tốt nhất hiện nay là đảm bảo các điều kiện vệ sinh sạch sẽ như:
- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt muỗi, bọ gậy bằng cách: đậy kín tất cả các vật dụng chứa nước ăn uống sinh hoạt như bể, chum vại, lu, thạp đựng nước.
- Thả cá vào bể, giếng, chum vại để diệt lăng quăng.
- Thu gom hủy các vật dụng phế thải xung quanh nhà như: Chai, lọ, vỏ dừa…. dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
- Rửa chum, vại.
- Loại bỏ các đồ chứa nước tự nhiên
- Khi xảy ra dịch cần tăng cường các biện pháp chống dịch, làm giảm nhanh mật độ muỗi trong cộng đồng bằng cách phun hóa chất diệt muỗi.
* Phòng muỗi đốt:
- Mặc quần áo dài tay che kín tay chân.
- Ngủ trong mùng kể cả ban ngày.
- Dùng binh xịt muỗi, vợt điện diệt muỗi
- Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.
- Cho người bệnh SXH nằm trong mùng, tránh muỗi đốt để không lây bệnh sang người khác.
* Đối với trường học:
- Dọn vệ sinh sạch sẽ
- Tất cả các thùng rác trong phòng phải luôn đổ rác và được rửa sạch sẽ sau khi thu dọn vệ sinh xong.
Vì sức khỏe của mọi gia đình và cả cộng đồng. Nhà trường kêu gọi tất cả chúng ta hãy quan tâm thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết với phương châm: “Không có lăng quăng, không có muỗi vằn, không có sốt xuất huyết”.
III. Bệnh sởi:
1. Nguyên nhân gây bệnh:
Bệnh sởi do vi rút sởi thuộc nhóm Paramyxovirus gây nên. Đây là loại virus có sức chịu đựng yếu, dễ bị tiêu diệt bởi các thuốc sát khuẩn thông thường, ánh sáng mặt trời…virus sởi tồn tại ở họng và máu bệnh nhân từ cuối thời kì ủ bệnh đến sau khi phát ban một thời gian ngắn. Bệnh rất dễ lây, thường gặp ở trẻ em, gây viêm long ở kết mạc mắt, đường hô hấp, tiêu hoá và các phát ban đặc hiệu. Có nhiều biến chứng nặng nề.
2. Đường lây:
Người là nguồn bệnh duy nhất, lây trực tiếp qua đường hô hấp. Đặc biệt ở trẻ em chưa có miễn dịch, trẻ em từ 2 - 6 tuổi mắc bệnh nhiều.
3.Triệu chứng của bệnh sởi:
a. Thời kì ủ bệnh: 10 -12 ngày.
b. Thời kì khởi phát:
- Hội chứng nhiễm khuẩn: Sốt 38,5oC - 40oC, nhức đầu, mệt mỏi
- Hội chứng xuất tiết niêm mạc:
+ Mắt: Kết mạc đỏ, phù mi mắt, chảy nước mắt, sợ ánh sáng.
+ Hô hấp: Sổ mũi, hắt hơi, khản tiếng, ho khan, có khi có ít đờm
+ Tiêu hoá: Nôn, đi ngoài phân lỏng.
- Có hạt nội bang: Trên nền niêm mạc má viêm đỏ nổi lên những chấm trắng nhỏ, đường kính khoảng 1mm.
c. Thời kì toàn phát:
- Sốt cao 39oC - 40oC, có thể mê sảng co giật, ho nhiều, viêm nhiễm và xuất tiết đường hô hấp, chảy nước mắt.
- Phát ban với đặc điểm:
+ Là ban dát sẩn, màu đỏ, hồng hay tía. Hình tròn hoặc hình bầu dục, to bằng hạt đậu, hay cánh bèo tấm, sờ vào mềm, mịn như sờ vào tấm vải nhung, giữa các ban sởi có khoảng da lành.
+ Thứ tự mọc ban:
Ngày thứ nhất: Ban sởi mọc ở chân tóc, sau tai, sau gáy, trán, má đầu, mặt, cổ.
Ngày thứ hai: Ban mọc tới ngực lưng và hai tay.
Ngày thứ ba: Ban mọc xuống bụng và hai chân
+ Ban sởi tồn tại hai đến ba ngày rồi lặn theo trình tự đã mọc để lại trên da những vết thâm vằn như da hổ da báo. Khi ban lặn các dấu hiệu lâm sàng khác giảm dần.
4. Biến chứng:
Virus sởi phá huỷ lớp biểu mô niêm mạc và hệ thống miễn dịch, làm giảm lượng vitamin A, do đó có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm khác.
- Bội nhiễm: Viêm phổi, viêm phế quản, viêm thanh quản, viêm tai giữa.
- Thần kinh: Viêm não sau sởi
- Suy dinh dưỡng do ăn uống kiêng khem
- Loét miệng: Các vết loét ở trong miệng, môi lưỡi; vết loét có màu đỏ, được phủ một lớp trắng rất đau. Vết loét có thể sâu, rộng làm cho trẻ ăn khó khăn
- Chảy mủ mắt
- Mờ giác mạc, đây là dấu hiệu nguy hiểm có thể do thiếu vitamin A
5. Phòng bệnh:
- Tiêm phòng vắc xin sởi đầy đủ cho trẻ dưới một tuổi.
- Phát hiện sớm và cách ly người bị sởi.
- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, đặc biệt sát khuẩn mũi, họng hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường bằng nước muối.
- Thực hiện vệ sinh môi trường sống, đảm bảo nhà cửa sạch sẽ và thông thoáng.
IV. Bệnh tiêu chảy
1. Bệnh tiêu chảy là gì ?
Bệnh tiêu chảy là một bệnh truyền nhiễm cấp tính lây theo đường tiêu hoá, do kí sinh trùng, trực khuẩn, vi khuẩn hay samonellatyphy... gây ra. Với biểu hiện đi ngoài nhiều lần trong một ngày, phân nát không thành khuôn kéo theo sốt hoặc đau bụng và nhiều triệu chứng khác
2. Vì sao chúng ta phải phòng chống bệnh tiêu chảy cấp?
Bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm lây lan nhanh và dễ tử vong nhưng có thể phòng được.
3. Các biện pháp phòng chống bệnh:
3.1. Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường:
- Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi vệ sinh và sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh.
- Mỗi gia đình có một nhà tiêu hợp vệ sinh vệ sinh, cấm đi tiêu bừa bãi. Đối với gia đình có bệnh nhân tiêu chảy cấp cần rắc vôi bột hoặc cloraminB sau mội lần đi tiêu.
- Phân và chất thải của người bệnh phải đổ vào nhà tiêu, rắc vôi bột hoặc cloramin B vào sau mội lần đi để sát khuẩn.
- Tránh tập trung ăn uống đông người như: ma chay, giỗ, cưới...
- Hạn chế ra vào vùng đang có dịch.
3.2. An toàn vệ sinh thực phẩm:
- Mọi người, mọi nhà đều thực hiện ăn chín, uống sôi.
- Không ăn thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn đặc biệt là mắm tôm sống, hải sản tươi sống, gỏi cá.
3.3. Bảo vệ nguồn nước và nguồn nước sạch:
- Nguồn nước ăn uống phải đảm bảo sạch sẽ.
- Cấm đổ rác thải, chất thải, nước giặt. Không rửa và đổ chất thải của người bệnh xuống ao, hồ, sông, suối và không vứt xác động vật và rác xuống ao, hồ.
- Nước dùng để sinh hoạt lấy từ ao, hồ, sông, suối phải được khử khuẩn bằng cloramin B trước khi dùng.
4. Khi trong gia đình có người bị tiêu chảy chúng ta phải làm gì?
Khi trong gia đình có người bị tiêu chảy phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời
*Thực hiện biện pháp an toàn vệ sinh thực phẩm:
- Thực hiện ăn chín uống sôi. Tất cả đồ ăn thức uống cần đun sôi trước khi ăn, uống.
- Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Tiếp xúc với chất thải của người bệnh
- Dụng cụ bát đĩa trước khi ăn cần rửa sạch và nhúng vào nước sôi.
- Bảo quản tốt thực phẩm đã chế biến chống ruồi, muỗi, mưa gió, bụi bặm.
- Xử lý phân, chất thải đảm bảo yêu cầu vệ sinh. Không dùng phân tươi để bón và tưới rau.
5. Là học sinh chúng ta cần làm những gì?
- Rửa tay sau khi đi vệ sinh.
- Không ăn quà bánh, hoa quả xanh, uống nước lã.
- Không vứt rác bừa bãi ra lớp, sân trường và quanh lớp học.