Cứ bắt đầu thời tiết chuyển mùa là nhiều bé lại ho, sốt, khò khè, khó thở. Vậy đâu là nguyên nhân trẻ hay mắc bệnh hô hấp giao mùa thu đông? Hệ miễn dịch của trẻ con non yếu, trẻ khó thích nghi với biến đối của môi trường là lý do trẻ dễ nhiễm bệnh khi giao mùa. So với người lớn, trẻ có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Mặc dù trẻ sơ sinh nhận được các kháng thể miễn dịch từ sữa mẹ nhưng lượng kháng thể này sẽ giảm đi nhanh chóng khi trẻ qua 6 tháng hoặc bắt đầu ăn dặm. Trẻ nhỏ có lượng tế bào miễn dịch, kháng thể dịch thể thấp hơn người lớn, khả năng hoạt động cũng kém hơn, chưa quen và chưa đủ khả năng chống chọi với các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Trẻ nhỏ có thể mắc 4-6 lần cảm cúm, viêm nhiễm đường hô hấp trong năm.
Đối với trẻ sức đề kháng kém số lần nhiễm trùng đường hô hấp trong năm lên tới 8 - 12 lần, tập trung vào các thời điểm giao mùa. Khi thời tiết chuyển mùa thu sang đông, độ ẩm không khí giảm, nhiệt độ chuyển từ nóng sang lạnh đột ngột theo từng đợt gió mùa tác động trực tiếp đến cơ quan hô hấp còn non nớt của trẻ. Một số trẻ cơ địa dị ứng sẽ có dấu hiệu hắt hơi, sổ mũi, sốt nhẹ. Trẻ có thể bị bội nhiễm sau đó dẫn tới viêm mũi, viêm họng và viêm đường hô hấp dưới.
Trong khi hệ miễn dịch của trẻ còn yếu thì thời tiết giao mùa lại tạo điều kiện cho nhiều loại virus và vi khuẩn gây bệnh phát triển. Trẻ dễ dàng bị vi trùng xâm nhập vào đường hô hấp vì đây là cơ quan “cửa ngõ” tiếp xúc với không khí bên ngoài thường xuyên. Trẻ có thể bị bệnh hô hấp từ nhẹ đến nặng như viêm đường hô hấp trên, viêm mũi – họng, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi nếu không được phòng tránh bệnh kịp thời.
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, chữa bệnh tuyệt đối không tùy ý sử dụng kháng sinh
Điều quan trọng đầu tiên để phòng bệnh cho trẻ là các bậc cha mẹ nên tiêm chủng cho trẻ đầy đủ, trong đó có tiêm vaccine phòng cúm. Bệnh cúm dễ phát triển vào giao mùa thu đông và mùa đông.
Thứ hai là giữ vệ sinh cho trẻ, dù mùa lạnh, trẻ nên được tắm rửa bằng nước ấm thường xuyên để loại trừ các tác nhân gây dị ứng hoặc nguồn bệnh do cầm nắm đồ chơi bẩn hay do tiếp xúc với các nguồn lây bệnh khác.
Ngoài ra, dinh dưỡng luôn là một yếu tố quan trọng trong tăng cường sức khỏe thể chất của trẻ, từ đó đẩy lùi bệnh tật. Trong thời tiết giao mùa, các mẹ nên cho trẻ ăn những loại thực phẩm giàu vitamin C, kẽm, đủ dinh dưỡng để các bé có sức đề kháng tốt đối với mọi loại bệnh tật.
Một cách khác tăng cường miễn dịch là bổ sung nhóm chất Betaglucan. Trong nhóm Betaglucan này, chất Beta (1.3/1.6)-D-Glucan được xem là chất có hoạt lực tăng cường miễn dịch mạnh. Beta (1.3/1.6)-D-Glucan kích thích miễn dịch của cơ thể trẻ thông qua hệ miễn dịch đường ruột, làm tăng cường hoạt động của tế bào bạch cầu và kháng thể để chống chọi với tác nhân gây bệnh. Chất này được khoa học chứng minh làm giảm đáng kể tần sất viêm nhiễm đường hô hấp ở trẻ và nhanh nhóng phục hồi sức khỏe của trẻ đang ốm.
Còn khi trẻ mắc cảm, cúm, viêm đường hô hấp, cha mẹ tuyệt đối tránh tự ý dùng kháng sinh không tuân theo chỉ định của bác sĩ, sử dụng không đúng hướng dẫn sử dụng của thuốc, tự ý đổi loại kháng sinh hoặc tự ý tăng liều sử dụng. Những sai lầm này có thể khiến vi khuẩn gây bệnh kháng thuốc và sẽ rất khó khăn để điều trị các nhiễm trùng cho trẻ lần sau. Thay vì phải sử dụng kháng sinh quá nhiều cho trẻ, khiến sức khỏe của trẻ ngày càng yếu đi, cha mẹ nên tăng sức đề kháng để tăng khả năng chống chọi lại bệnh hô hấp giao mùa cho trẻ.